Bức thư gửi người hàng xóm vì văn hóa karaoke

Gửi hàng xóm!


Nếu bỗng dưng một ngày trong con hẻm yên bình bạn đang sinh sống có một sự kiện gì đó khiến nó không còn yên ả thanh bình nữa, bạn sẽ làm thế nào? Tôi thì  đang rơi vào cảnh ngộ éo le ấy, từ khi gia đình bạn chuyển tới đây.

Gia đình tôi, ông bà, bố mẹ tôi đã sinh sống ở con hẻm này từ 20 năm nay, nó vốn rất yên tĩnh và thanh bình. Nhưng vài năm gần đây một vài gia đình chuyển chỗ ở. Có người đến, có người đi. Có người bán nhà nhỏ mua nhà to hoặc ngược lại, trong đó không hiểu trời xui đất khiến thế nào bạn lại chọn đến ở ngay cạnh ngôi nhà thân yêu của tôi.




Vào một ngày đẹp trời, tôi rất đỗi vui mừng vì có những người hàng xóm mới, thân thiện, cởi mở. Các bạn tầm tuổi U50, ngang bằng tuổi tôi,  và hai cậu con trai đang học phổ thông. Các bạn đã về hưu suốt ngày không làm gì ngoài việc đi chợ nấu ăn, chăm sóc nhà cửa; hai cậu con trai đi học cả ngày tối mới về. Tôi hiểu càng nhiều tuổi con người càng cảm thấy cô đơn, cũng như tôi đây, con cái đi làm việc suốt ngày, cứ thui thủi ở nhà một mình trông ngóng đến bữa cơm tôi để gia đình được quay quần bên mâm cơm. Nhưng nếu chỉ như vậy thì mọi thứ đã không trở nên bất bình thường tới nỗi tôi phải lên đây là kể lể. Rắc rối bắt nguồn từ niềm đam mê ca hát bất tận của cả gia đình bạn, và người chịu trận đương nhiên là những người hàng xóm là chúng tôi.

Cứ mỗi sáng sớm thức dậy, cả gia đình bạn rủ nhau đi tập thể dục buổi sáng, sau đó hai đứa con đi học, còn hai ông bà ngồi ăn sáng, uống cà phê ngay đầu hẻm, tụm ba tụm bảy nói đủ chuyện với hàng xóm. Từ phim Hàn Quốc đến việc sinh đẻ, làm đẹp, từ chuyện tây sang chuyện ta rẽ qua chuyện tàu. Tôi cũng thường xuyên góp vui vào câu chuyện của các bạn ở quán cà phê đầu hẻm ấy.  Sau đó hai các bạn về nhà mình và bắt đầu giờ "tra tấn" cả hẻm.

Các bạn mở karaoke hát. Người thì hát nhạc tình ướt át, người ca cải lương, người hát nhạc đỏ...  Sáng từ 8h đến 1h. Trưa nghỉ hai tiếng. Chiều lại tiếp tục ca từ 3 giờ đến khi các con đi học về. Các bạn nghỉ ăn cơm rồi “nhường máy” cho hai cậu trai đến 11 giờ đêm...  Cứ như vậy, đều đặn mỗi ngày làm cho các nhà xung quanh không có chút yên tĩnh nghỉ ngơi. Đừng trách tôi tò mò tọc mạch, nắm rõ lịch sinh hoạt của gia đình bạn đến thế. Chẳng qua những lúc hiếm hoi các bạn thôi tra tấn lỗ tai chúng tôi bằng tiếng ồn nên tôi đoán lúc ấy các bạn đang nghỉ ngơi để lấy sức chiến đấu tiếp thôi.

Không phải tôi không góp ý với các bạn. Tôi đã nói nhiều, rằng gia đình chúng tôi cũng cần được nghỉ ngơi vì con cái đi làm cả ngày mệt mỏi. Rằng gia đình bạn có thể chịu khó đầu thiết kế phòng karaoke chuyên nghiệp, cách âm như ngoài quán thì sẽ không ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Rằng các bạn có thể “giới hạn” niềm đam mê ca hát đến 7h tối thôi có được không?

Nhưng bạn nói hai ông bà già có mỗi thú vui ấy. Còn các con đang chuẩn bị đi thi “Con Voi” với “Ai Đồ” gì đấy nên phải luyện giọng hát. Bạn lại nói không muốn xây phòng cách âm vì nghe giọng hát không được bay cao bay xa.

Nhưng thú thật, các bạn hát không ra hát, đọc không ra đọc, toàn là sai từ lạc nhịp, gào rú, rên rỉ... Vậy mà ngày nào cũng hát. Tôi không biết hát quanh năm suốt tháng như vậy các bạn có sung sướng hay vui vẻ gì không chứ buổi trưa mùa hè Hà Nội thời tiết lên tới 42 độ, oi bức đến tận tối, đã khó chịu lắm rồi, vậy mà hàng xóm từ đầu đến cuối hẻm còn phải chịu thêm màn "tra tấn" lỗ tai nữa.

Những tưởng đi ngoài đường, người đông, xe nhiều, còi xe ầm ĩ mới phải chịu cảnh "ô nhiễm tiếng ồn". Dè dâu trong hẻm sâu cũng phải chịu cảnh này. Mà còn là liên tục từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác.  Tôi cũng đã vài lần đề nghị tổ trưởng tổ dân phố đến làm việc với gia đình bạn, nhưng rồi được vài bữa, chuyện đâu lại vào đấy vì các bạn cho rằng ca hát là quyền tự do của mỗi người. Như kiểu nhà tôi ở mặt đường thì tôi phải chịu tiếng ồn xe cộ là điều đương nhiên, nếu muốn không chịu tiếng ồn thì gia đình tôi phải đầu tư phòng cách âm chứ không phải gia đình bạn.

Các bạn cần biết rằng: đây là một xã hội loài người văn minh, không phải là nơi rừng rú mà muốn làm gì cũng được rồi bắt người khác phải chấp nhận. Xin hỏi các bạn một câu thế này:  Nếu cũng lập luận như vậy thì tôi ra đường không cần luật giao thông và tự do đâm xe vào bạn. Lúc đó tôi nói: Bạn phải tự tránh tôi chứ! Các bạn có chấp nhận điều đó không? 

Lần này tôi phải viết tâm thư gửi đến gia đình bạn, cũng là lần cuối cùng tôi dùng lời nói. Nếu gia đình bạn vẫn chứng nào tật ấy, không chịu sửa đổi lối sinh hoạt kỳ cục đó tôi sẽ phải dùng đến chiêu "gậy ông đập lưng ông". Nghĩa là gia đình tôi cũng sẽ đầu tư một dàn karaoke với bộ loa cực "khủng", chờ đến đêm sau khi gia đình bạn nghỉ hát và đi ngủ thì chúng tôi bắt đầu "tra tấn" lại. Lúc ấy xem các bạn sẽ chịu đựng được bao lâu?
Bức thư gửi người hàng xóm vì văn hóa karaoke Bức thư gửi người hàng xóm vì văn hóa karaoke Reviewed by Unknown on 11:38 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.